Cách Viết Khóa Luận Tốt Nghiệp

Cách Viết Khóa Luận Tốt Nghiệp

Khóa luận tốt nghiệp là cột mốc đánh dấu quan trọng trong cuộc đời của mỗi sinh viên. Nó còn giúp giảng viên đánh giá được năng lực và trình độ của bạn trong suốt quá trình học tập rèn luyện tại giảng đường cao đẳng, đại học.

>>> Xem thêm: Mẫu thư ứng tuyển cho sinh viên mới ra trường

I. Khóa luận tốt nghiệp là gì?

Khóa luận tốt nghiệp là một công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi các bạn sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp cấp Cao đẳng, Đại học.

Khóa luận là nơi đúc kết lại các kỹ năng và kiến thức được học của bạn trong suốt quá trình ngồi trên ghế nhà trường, giúp các Giảng viên đánh giá trình độ và khả năng tiếp thu của các bạn một cách khách quan, chính xác. Do vậy khóa luận tốt nghiệp được coi như một kì thi của sinh viên năm cuối trước khi tốt nghiệp nhận bằng.

“KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP” thông thường sẽ được phát triển từ “báo cáo tốt nghiệp” hoặc một nghiên cứu mới có nội dung thuộc lĩnh vực chuyên ngành, chỉ áp dụng đối với sinh viên có đủ các điều kiện làm khóa luận tốt nghiệp theo Quy chế đào tạo và được sự đồng ý của giáo viên hướng dẫn (căn cứ vào kết quả đánh giá “báo cáo tốt nghiệp”).

“Khóa luận tốt nghiệp” phản ánh kết quả học tập, đồng thời cũng là một công trình nghiên cứu khoa học nên đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc và phải đạt yêu cầu: Có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn; số liệu và các nguồn trích dẫn phải chính xác và đáng tin cậy; văn phong mạch lạc, chuẩn xác; được trình bày đúng quy định và thể hiện người viết có phương pháp nghiên cứu.

II. Chọn và đặt tên đề tài

Chọn đề tài khóa luận tốt nghiệp là công việc đầu tiên của sinh viên trước khi bắt đầu thực hiện triển khai đề cương, nội dung khóa luận tốt nghiệp.

Việc xác định, lựa chọn nội dung khóa luận nghiên cứu và đặt tên đề tài có thể dựa trên các tiêu chí và yêu cầu sau đây:

(1) Phù hợp với ngành

Ví dụ đối với ngành quản trị nhân sự, bạn có thể tham khảo những đề tài:

– Cơ cấu tổ chức; Tạo động lực cho nhân viên; Nguồn nhân lực; Năng suất lao động; Chính sách lương, thưởng; Tổ chức lao động khoa học; Định mức lao động; Văn hoá doanh nghiệp; Quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm;…

– Phong cách lãnh đạo; Hiệu quả của tổ chức;

– Quản lý chất lượng (chất lượng công việc, chất lượng sản phẩm).

(2) Vấn đề mà sinh viên có sự quan tâm (đam mê, gắn với công tác hiện tại /sau này, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên), có thế mạnh về kiến thức chuyên môn.

(3) Đề tài phải có ý nghĩa thực tế – gắn với yêu cầu của Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài.

(4) Có khả năng thu thập dữ liệu tại Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp.

(5) Vừa sức trong giới hạn về năng lực bản thân, thời gian và các điều kiện khác.

(6) Tên đề tài phải ngắn gọn song đủ nghĩa, phản ánh đúng ý tưởng, nội dung, đối tượng nghiên cứu chính.

Hướng Dẫn Cách Viết Khóa Luận Tốt Nghiệp
Hướng Dẫn Cách Viết Khóa Luận Tốt Nghiệp

III. Yêu cầu về nội dung cơ bản của khóa luận tốt nghiệp

Kết cấu nội dung khóa luận tốt nghiệp luôn gồm 03 phần: Mở đầu, Nội dung các chương và Kết luận. Các bạn có thể tham khảo nội dung các phần như sau.

Phần 1: MỞ ĐẦU

Phần này là cần thiết và bắt buộc. Mục đích của phần này là trình bày vấn đề nghiên cứu trong bối cảnh nhất định. Phần mở đầu đóng vai trò quan trọng trong việc phác thảo khung sườn của đề tài, do vậy cần được viết một cách thận trọng, súc tích, rõ ràng. Phần mở đầu bao gồm các nội dung sau:

1. Lý do chọn đề tài

Trong mục này sinh viên phải chứng tỏ được lý do lựa chọn đề tài nghiên cứu. Một số lý do có thể gồm:

– Tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của vấn đề nghiên cứu;
– Vấn đề chưa được nghiên cứu hay nghiên cứu chưa sâu, còn những nội dung cần tiếp tục tìm hiểu, làm rõ;
– Vấn đề nghiên cứu đang có tính thời sự cao, cần được giải quyết;
– Vấn đề mà qua nghiên cứu sơ bộ cho thấy tạiĐơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài có nhiều tồn tại cần khắc phục;
– Xuất phát từ yêu cầu của Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

– Mục tiêu nghiên cứu: Sinh viên cần xác định rõ đích đến cuối cùng của việc nghiên cứu đề tài là gì? Mục tiêu nghiên cứu rõ ràng là tiền đề cho việc xây dựng một kết cấu nội dung tốt và đảm bảo cho sinh viên hướng nghiên cứu thành công. Mục tiêu nghiên cứu thường liên quan trực tiếp đến tên gọi của đề tài. Mỗi báo cáo, khóa luận có thể có một mục tiêu tổng quát và những mục tiêu cụ thể riêng biệt.

– Nhiệm vụ nghiên cứu: Sinh viên liệt kê những nhiệm vụ cụ thể phải giải quyết trong báo cáo phù hợp với mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu đã được chỉ ra. Nói cách khác, để thực hiện được mục tiêu nghiên cứu thì trong báo cáo, khóa luận cần phải làm những gì?Và khi hoàn thành các nhiệm vụ chỉ ra thì mục tiêu sẽ được thực hiện.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

– Đối tượng nghiên cứu là tổng thể những khía cạnh /nội dung có liên quan đến đề tài, được sinh viên lựa chọn phù hợp với ngành, hoàn cảnh nghiên cứu.

Ví dụ với đề tài về “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tạo động lực tại Công ty X” thì đối tượng nghiên cứu là các nhân tố ảnh hưởng đến tạo động lực, những giải pháp tạo động lực và thực trạng công tác tạo động lực của Công ty X.

– Phạm vi nghiên cứu là giới hạn không gian, thời gian và nội dung mà khóa luận đề cập. Việc xác định rõ phạm vi nghiên cứu là để đảm bảo tính đầy đủ của nội dung khóa luận, tránh lan man làm mất tính tập trung vào những nhiệm vụ nghiên cứu. Khi viết mục này sinh viên cần làm rõ:

(1) Phạm vi về không gian: là tên / địa điểm của Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài;

(2) Phạm vi về thời gian: là khoảng thời gian thu thập dữ liệu cũng như ứng dụng các kết quả nghiên cứu; và

(3) Phạm vi về vấn đề nghiên cứu: chỉ rõ giới hạn của những nội dung nghiên cứu.

4. Phương pháp nghiên cứu

Trong mục này sinh viên dự kiến các phương pháp sẽ được áp dụng để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra cho báo cáo.

Các phương pháp lựa chọn có thể gồm: nghiên cứu định tính (dữ liệu thu thập chủ yếu ở dạng chữ, không đo lường bằng số lượng và qua nghiên cứu tài liệu, tình huống,…) và nghiên cứu định lượng (thu thập dữ liệu qua bảng câu hỏi có cấu trúc, phỏng vấn, quan sát bằng những công cụ khác).

Phần 2. NỘI DUNG CHÍNH

Nội dung chính là các chương của một báo cáo, khóa luận có thể được kết cấu theo những dạng khác nhau tùy theo tính chất chuyên môn của đề tài cũng như phương pháp giải quyết đề tài mà sinh viên lựa chọn.

Kết cấu của báo cáo, khóa luận do sinh viên đề xuất được chấp nhận nếu như vậy là phù hợp và tốt hơn cho việc giải quyết các nhiệm vụ đặt ra (03 chương, 04 chương hoặc 05 chương). Dưới đây là những định hướng cơ bản cho trường hợp báo cáo gồm 3 chương chính.

Chương 1: LÝ LUẬN < VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU>

Chương này tập trung trình bày cơ sở lý luận (lý thuyết, giả thuyết khoa học,…) được sử dụng trong đề tài và thường đề cập đến những vấn đề mang tính lý luận liên quan đến thực hiện các nhiệm vụ của báo cáo như: khái niệm, vị trí, vai trò, nội dung, những nhân tố ảnh hưởng, giải pháp,…

Nội dung có thể bao gồm:

– Những vấn đề cơ bản về <vấn đề nghiên cứu>.
– Những nội dung về lý luận liên quan đến việc đánh giá thực trạng của <vấn đề nghiên cứu>.
– Những nội dung về lý luận liên quan đến việc đề xuất các giải pháp của <vấn đề nghiên cứu>.

Chương 2: THỰC TRẠNG <CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU>

Chương này tập trung phân tích, đánh giá thực trạng của vấn đề nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân của những khía cạnh mà Đơn vị thực tập chưa làm hoặc chưa làm tốt, cần khắc phục.

Nội dung có thể bao gồm:

– Tổng quan về Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài: Giới thiệu chung, quá trình thành lập và phát triển, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý, đặc điểm tổ chức sản xuất kinh doanh (có ảnh hưởng đến vấn đề nghiên cứu), kết quả và định hướng phát triển sản xuất kinh doanh (nếu có).

– Tổng quan về Tổ chức bộ máy chuyên trách công tác quản trị nhân lực (Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài): Giới thiệu về tổ chức bộ máy chung trách (tên gọi, chức năng, công việc chuyên trách nhân sự, mối quan hệ công việc trong bộ máy chuyên trách); Tổ chức nhân sự trong bộ máy (thông tin năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách, bố trí nhân sự và phân công công việc cụ thể trong bộ máy chuyên trách).

– Thực trạng về <vấn đề nghiên cứu>: Xác định và mô tả những nội dung của vấn đề nghiên cứu; phân tích, đánh giá thực trạng từng nội dung của vấn đề nghiên cứu thông qua dữ liệu thực tế thu thập được, so sánh đối chiếu với lý thuyết hoặc các mô hình chuẩn; tìm hiểu nguyên nhân của những khía cạnh mà Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài chưa làm hoặc chưa làm tốt, cần khắc phục.

Chương 3: GIẢI PHÁP <ĐỂ THỰC HIỆN TỐT HƠN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU>

Chương này cần tập trung nghiên cứu 02 phần cơ bản:

– Quan điểm, chủ trương, chính sách <vấn đề nghiên cứu> của Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài.

– Đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn vấn đề nghiên cứu. Theo đó, những giải pháp đề xuất nếu được thực hiện sẽ khắc phục được những khía cạnh mà Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài chưa làm hoặc chưa làm tốt.

Mỗi giải pháp đề xuất được thể hiện thành một mục riêng và gồm các nội dung sau:
+ Mục tiêu của giải pháp.
+ Căn cứ đề xuất giải pháp.
+ Nội dung của giải pháp.
+ Kinh phí và lộ trình thực hiện giải pháp (không bắt buộc đối với khóa luận tốt nghiệp).
+ Dự kiến lợi ích, hiệu quả mang lại khi thực giải pháp (không bắt buộc đối với khóa luận tốt nghiệp).

Phần 3. KẾT LUẬN

Mục đích của phần này là tóm tắt các nội dung nghiên cứu đã được trình bày trong phần nội dung chính và khẳng định lại kết quả nghiên cứu theo các nhiệm vụ đã xác định của báo cáo.

Một Số Quy Định Khi Viết Khóa Luận Tốt Nghiệp
Một Số Quy Định Khi Viết Khóa Luận Tốt Nghiệp

IV. MỘT SỐ CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

1. Cấu trúc sắp xếp khóa luận tốt nghiệp (báo cáo)

(1) Trang bìa: Trình bày theo mẫu kèm theo;
(2) Trang bìa phụ: Trình bày theo mẫu kèm theo;
(3) Mục lục;
(4) Danh mục các ký hiệu, các chữ viết tắt;
(5) Danh mục các bảng;
(6) Danh mục các hình vẽ, đồ thị;
(7) Các phần của nội dung khóa luận (Mở đầu, Các chương và Kết luận);
(8) Danh mục tài liệu tham khảo;
(9) Phụ lục (nếu có);
(10) Nhận xét của Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài;
(11) Nhận xét của Giảng viên hướng dẫn;
(12) Trang bìa cuối: không có nội dung.

2. Trình bày, định dạng khóa luận tốt nghiệp

– Khóa luận phải được đánh máy trên khổ giấy A4, khổ đứng, in một mặt; đối với các nội dung cần trình bày theo chiều ngang thì đầu bảng là lề trái của trang.

– Định dạng trang: Lề trên (top): 2,5cm; Lề dưới (bottom): 2,5cm; Lề trái (left): 3,5cm; Lề phải (right): 2,0cm; Header: 1,5cm; Footer: 1,5cm.

– Dùng font chữ Times New Roman, mật độ bình thường; chế độ hàng (Line spacing): 1.5 lines (riêng dữ liệu trong bảng: linh hoạt).

– Trình bài nội dung các phần /chương báo cáo, khóa luận nghiên cứu khoa học:

+ Tên phần /chương: Cỡ chữ 14, in đậm-HOA, căn giữa và thứ tự phần
/chương sử dụng theo các số tự nhiên 1, 2,…
+ Tên các mục lớn cấp 1 trong phần /chương: Cỡ chữ 13, in đậm-HOA, căn đều 2 biên, dòng đầu tiên thụt vào so với lề trái 1,0cm và sử dụng các ký số tự nhiên để biểu diễn thứ tự các mục (Ví dụ: 1.1.; 1.2.;…).
+ Tên các mục nhỏ cấp 2 (nếu có) trong phần /chương: Cỡ chữ 13, in đậm- thường, căn đều 2 biên, dòng đầu tiên thụt vào so với lề trái 1,0cm và sử dụng các ký số tự nhiên để biểu diễn thứ tự các mục (Ví dụ: 1.1.1.; 1.1.2.;…).
+ Các nội dung còn lại của báo cáo: Cỡ chữ 13, căn đều 2 biên và định dạng thống nhất. Mục /nội dung nhỏ tiếp theo đầu tiên: dòng đầu tiên thụt vào so với lề trái 1,0cm và có thể sử dụng các ký hiệu dấu trừ (-) để biểu diễn thứ tự mục; Các mục /nội dung nhỏ tiếp theo: dòng đầu tiên thụt vào so với lề trái 1,5cm và có thể sử dụng các ký hiệu dấu cộng (+) để biểu diễn thứ tự mục.

– Trình bày bảng, hình vẽ, đồ thị: Bảng số liệu, hình ảnh, đồ thị khi trích dẫn phải có số thứ tự, tên, đơn vị tính cho các số liệu và nguồn gốc số liệu. Ví dụ:

Bảng 2.10. Cơ cấu doanh nghiệp theo lĩnh vực kinh doanh

Lĩnh vực kinh doanh Số lượng Tỷ lệ (%)
Nông, lâm, ngư nghiệp Công nghiệp, xây dựng

Thương mại, dịch vụ

60

159

31

24,0

63,6

12,4

Tổng 250 100

Nguồn: Sở LĐTBXH Bình Dương, kết quả điều tra nhu cầu sử dụng LĐ qua đào tạo, 2008

3. Trình bày các nội dung khác

3.1. Mục lục: Trình bày có hệ thống, theo trình tự của cấu trúc báo cáo và đánh số trang đến mục cấp 2 của nội dung (Ví dụ: 1.1.; 1.1.2.).

3.2. Danh mục các bảng, các hình vẽ, đồ thị: Trình bày có hệ thống, theo trình tự của bảng, hình vẽ, đồ thị kèm chỉ mục trang.

3.3. Trích dẫn tài liệu

– Trích dẫn trực tiếp: là cách trích dẫn nguyên văn một phần câu, một câu, một đoạn văn, hình ảnh, sơ đồ, quy trình,… của tác giả tài liệu tham khảo vào báo cáo. Trích dẫn nguyên văn đòi hỏi phải chính xác từng từ, câu hay từng định dạng của tác giả tài liệu tham khảo. Phần trích dẫn phải được đặt trong dấu ngoặc kép. Tên tác giả, năm xuất bản và số trang được đặt trong dấu ngoặc đơn.

Ví dụ: “Hình thức phỏng vấn không chỉ dẫn là hình thức phỏng vấn kiểu nói chuyện, không có bản câu hỏi kèm theo” (Trần Kim Dung, 2009, 141).

– Trích dẫn gián tiếp: là việc sử dụng một ý tưởng, một đoạn văn, kết quả hay đại ý của tài liệu tham khảo theo cách diễn giải bằng từ ngữ của sinh viên trong báo cáo của mình. Trong nghiên cứu, đây là cách trích dẫn được khuyến khích. Khi thực hiện cách trích dẫn này, sau câu hay đoạn văn diễn tả lại ý tưởng /kết quả của tài liệu tham khảo là tên của tác giả và năm xuất bản của tài liệu tham khảo đó nằm trong ngoặc đơn, cách nhau bởi dấu phẩy.

Ví dụ: Trong tuyển dụng, phỏng vấn được xem là khâu quan trọng nhất trong việc làm sáng tỏ những thông tin của ứng viên (Trần Kim Dung, 2009).

– Các nguyên tắc trích dẫn: Tác giả của tài liệu tham khảo có thể là cá nhân (một tác giả), tập thể (nhiều tác giả), cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Chính phủ, Quốc hội, Liên hiệp quốc, công ty X). Không ghi học hàm, học vị, địa vị xã hội của tác giả.

+ Tác giả là người Việt Nam, tài liệu tham khảo được viết bằng tiếng Việt, thì ghi họ tên theo ngữ pháp Tiếng Việt. Ví dụ: Trần Kim Dung (2009).
+ Tác giả là người nước ngoài, hay tài liệu tham khảo được viết bằng tiếng Anh, thì họ của tác giả bằng tiếng Anh. Ví dụ: tên đầy đủ của tác giả và năm xuất bản là Andrew Mathews (2005) thì ghi là Mathews (2005).
+ Tác giả là tập thể thì cách trích dẫn như sau:
(1) Nếu tập thể là hai tác giả thì tên hai tác giả nối với nhau bởi chữ và. Ví dụ: Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008).
(2) Nếu tác giả từ ba tác giả trở lên thì ghi tên một tác giả và cộng sự. Ví dụ: Nguyễn Trọng Hoài và cộng sự (2009).
+ Tác giả là các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp: nếu có tên viết tắt thì ghi tên viết tắt [Ví dụ: World Bank là WB (2011), Asian Development Bank là ADB (2014)]; nếu không có tên viết tắt thì ghi đầy đủ [Ví dụ: Quốc hội Việt Nam (2012)].

3.4. Danh mục tài liệu tham khảo

Khi lập danh mục tài liệu tham khảo thì thực hiện xếp riêng theo từng ngôn ngữ và mỗi ngôn ngữ được ghi thành từng nhóm như: tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt, tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh,…

Tài liệu của tác giả nước ngoài đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt thì sắp vào tài liệu tham khảo tiếng Việt. Tác giả là người Việt Nam nhưng tài liệu tham khảo được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải được ghi vào tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài. Tất cả tài liệu tham khảo bằng tiếng nước ngoài phải được viết nguyên văn, không phiên âm thành tiếng Việt.

Tài liệu được trích dẫn trong báo cáo nhất định phải được ghi trong danh mục tài liệu tham khảo và được xếp theo từng nhóm, thứ tự ABC của tên của tác giả. Định dạng và trình tự ghi danh mục tài liệu tham khảo như sau:

Tài liệu tham khảo là sách được in, công bố và in riêng biệt: Tên tác giả, năm công bố. Tên sách. Lần xuất bản (chỉ ghi mục này nếu không phải xuất bản lần thứ 1). Nơi xuất bản (ghi tên thành phố, không ghi tên quốc gia): Nhà xuất bản.

3.5. Phụ lục

Phần này gồm những nội dung cần thiết nhằm minh họa hoặc bổ trợ cho nội dung báo cáo như bảng số liệu, mẫu biểu, tranh ảnh, văn bản pháp luật,…

Mỗi nội dung /nhóm nội dung được trình bày thành một phụ lục riêng và được thể hiện theo thứ tự (Ví dụ: Phụ lục 1, Phụ lục 2,…).

3.6. Các trang nhận xét

Trình bày theo mẫu.

Riêng trang nhận xét của Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài phải thể hiện được thông tin của người nhận xét, nội dung nhận xét, chữ ký của người nhận xét, đồng thời phải có chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền và đóng dấu của Đơn vị bạn đang nghiên cứu đề tài.

3.7. Cách đánh số trang

Tùy theo quy định của quản lý mỗi khoa sẽ có cách trình bày thống nhất của các sinh viên trong khoa, tiện cho việc quản lý, chấm bài sau này.

– Các phần của nội dung báo cáo (Mở đầu, Các chương và Kết luận) và Danh mục tài liệu tham khảo: Sử dụng các ký số 1, 2, 3,… để đánh số trang và vị trí tại góc phải cuối trang giấy với cỡ chữ 13, font như trình bày trong nội dung báo cáo;

– Phần Danh mục các ký hiệu, các chữ viết tắt; Danh mục các bảng và Danh mục các hình vẽ, đồ thị: Sử dụng các ký tự i, ii, iii,… để đánh số trang và vị trí tại góc phải cuối trang giấy với cỡ chữ 13, font như trình bày trong nội dung báo cáo;

– Phần Phụ lục: Sử dụng ký tự “PL.” kèm các ký số 1, 2, 3,… để đánh số trang và vị trí tại góc phải cuối trang giấy với cỡ chữ 13, font như trình bày trong nội dung báo cáo (Ví dụ: PL.1, PL.2,…).

3.8. Số trang của phần nội dung chính Khóa luận tốt nghiệp: Từ 50 – 70 trang và đảm bảo cân đối giữa các chương.

Cuối mỗi chương cần có những kết luận ngắn chỉ ra những điều rút ra từ nghiên cứu và tạo “cầu nối” của chương đó với các chương sau. Nội dung của kết luận chương phải nêu được những kết quả chủ yếu đạt được của chương, những kết luận quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất mà sinh viên rút ra được.
Bìa khóa luận thực hiện theo mẫu và quy định của quản lý khoa.

>>> Xem thêm: Review khóa học quản trị hành chính nhân sự tốt nhất Hà Nội, TPHCM

Trên đây, Nghiệp vụ Nhân sự vừa chia sẻ với các bạn cách viết khóa luận tốt nghiệp chuẩn nhất hiện nay, đặc biệt chuẩn cho các bạn chuyên ngành quản trị nhân sự, hành chính nhân sự. 

Bạn đọc có thể tham khảo các khóa học liên quan đến lĩnh vực Hành chính nhân sự tại trung tâm Lê Ánh Hr để rõ hơn về các vấn đề nhân sự trong doanh nghiệp. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *